NOVA CONSUMER CHUẨN BỊ IPO, TIẾN TỚI NIÊM YẾT HOSE

Nova Consumer sẽ chào bán lần đầu ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu, giá tối thiểu 43.462 đồng/cp.

Chứng khoán SSI đánh giá lĩnh vực hoạt động của Nova Consumer có nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer) vừa thông báo chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn. Giá chào bán tối thiểu 43.462 đồng/cp, nguồn tiền huy động khoảng 474 tỷ đồng cho mục tiêu tăng cường năng lực tài chính phát triển chuỗi thực phẩm và bổ sung vốn lưu động.

Cụ thể, công ty sẽ dùng 430 tỷ đồng để mua lại phần vốn góp của Công ty cổ phần Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc để phát triển chuỗi thực phẩm, 35 tỷ góp vốn mới vào Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc và phần còn lại bổ sung vốn lưu động.

Số lượng đăng ký mua tối thiểu của một nhà đầu tư là 1.000 cổ phiếu, bước khối lượng 1.000 đơn vị và khối lượng tối đa mua cho một nhà đầu tư là 5.444.000 cổ phiếu. Đại lý phân phối là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI). Số tiền đặt cọc là 10% tổng giá trị cổ phiếu đặt mua tính theo Giá chào bán tối thiểu. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc từ 7/2 đến 28/2. Thời gian thông báo kết quả đặt mua cổ phiếu dự kiến là ngày 04/03/2022.

Sau khi hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Nova Consumer sẽ tiến hành các thủ tục để niêm yết HoSE, dự kiến ngay trong quý II/2022.


Nova Consumer là đơn vị thành viên của Nova Group – tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam với 8 tổng công ty, trong đó có 3 tổng công ty trụ cột gồm Novaland (HoSE: NVL), Nova Service và Nova Consumer. Nova Consumer là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng, phục vụ nhu thiết yếu của cuộc sống.

Công ty chuyên cung cấp giải pháp tối ưu và toàn diện cho người chăn nuôi bao gồm thuốc thú y, vaccine, thức ăn gia súc, con giống và các giải pháp chăn nuôi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, từ năm 2020, tập đoàn có định hướng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm để khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn (mô hình 3F, Feed – Farm – Food).

Nova Consumer có 11 công ty con (trực tiếp và gián tiếp) và 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 2 công ty trong lĩnh vực vaccine và 4 công ty chuyên về sức khỏe vật nuôi với 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y được đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động và đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Trong mảng thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp có 3 nhà máy với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm. Công ty cũng có 7 trang trại heo, bò, gà ở nhiều tỉnh tại Việt Nam.


Nhà máy Anova Feed tại Long An đạt Global G.A.P

Chứng khoán SSI đánh giá lĩnh vực hoạt động của Nova Consumer có nhiều triển vọng trong thời gian tới. So với các nước trong khu vực, mức độ tiêu thụ thịt trên đầu người ở Việt Nam còn thấp, khoảng 16,5 kg/người/năm so với quốc gia cao nhất trong khu vực là 57,5 kg/người/năm. Việt Nam là quốc gia đông dân với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân ngày một tăng sẽ góp phần tăng tiêu dùng thịt. Nhờ chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín và có khả năng truy xuất nguồn gốc, Nova Consumer có nhiều dư địa để phát triển mạnh thị trường trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ nông dân nên việc sử dụng thuốc thú y và biện pháp an toàn sinh học chưa được áp dụng đúng mức, triệt để. Với xu hướng tập trung hóa chăn nuôi để gia tăng sản xuất, giảm thiểu dịch bệnh sẽ góp phần nâng cao ý thức sử dụng vaccine, thuốc thú y, các dung dịch sử dụng trong biện pháp an toàn sinh học, kể cả thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần không nhỏ vào tỷ lệ tăng trưởng của ngành.


Dây chuyền sản xuất sản phẩm thuốc thú y, thuốc thủy sản đạt chuẩn WHO-GMP tại Anova Pharma - một thành viên của Nova Consumer

Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (khoảng 35% tổng chi phí). Việt Nam ước tính có khoảng 17 triệu hộ gia đình trung lưu ở Việt Nam vào năm 2030 và được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 về số lượng người tiêu dùng và lớn thứ 5 về tổng chi tiêu ở Đông Nam Á vào năm 2030. Do vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B. Tốc độ tăng chi tiêu thực phẩm bình quân hằng năm giai đoạn 2020-2024 đạt khoảng 11,3%.

Còn theo số liệu Statista, tổng giá thị tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 816.000 tỷ đồng, tăng 10,5%; bước sáng năm 2022 dự báo đạt 902.000 tỷ đồng, tăng 11%.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành thực phẩm vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực 2 chữ số khi người dân ở cả thành thị và nông thôn tập trung dự trữ thực phẩm đóng gói và những thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Các tin khác