Tổ chức sản xuất, phân phối để bình ổn giá hàng hóa thiết yếu

Ngành công thương, nhà bán lẻ, doanh nghiệp bình ổn thị trường của TP.HCM, Cần Thơ, Bình Phước đã và đang không ngừng nỗ lực điều tiết cung-cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bình ổn giá.

Theo ghi nhận của phóng viên tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng đáng kể so với thời điểm cuối tháng 5/2021.

Trước diễn biến thị trường, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh và nhà bán lẻ, doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố đã và đang không ngừng nỗ lực điều tiết cung-cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bình ổn giá.

Báo cáo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 4/8, trên địa bàn thành phố có 33/237 chợ đang duy trì hoạt động kinh doanh. Các chợ này, chủ yếu kinh doanh nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; rau củ, quả; thực phẩm khô...

Trước mắt, các chợ ưu tiên tập trung kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cho người dân tại khu dân cư.

Liên quan đến lĩnh vực bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, thời điểm đầu tháng 6/2021, các doanh nghiệp bình ổn giá đề xuất tăng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh do chi phí đầu vào sản xuất tăng cao đột biến. Đồng thời, giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường tăng hơn 10%.

Tuy nhiên đến giữa tháng 7/2021, doanh nghiệp mới được sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh cho tăng giá mặt hàng trứng gia cầm lên bình quân 2.000 đồng/chục, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn mức giá tăng đột biến trên thị trường.

Đến ngày 19/7, sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh thông báo doanh nghiệp có thể tăng giá mặt hàng này thêm 2.000 đồng/chục, nhưng doanh nghiệp tự nguyện không điều chỉnh và giữ giá ổn định đến nay.

Các doanh nghiệp cho rằng, tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh phải có chiến lược bám sát thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, trong bối cảnh "dập dịch" doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường và hỗ trợ người dân đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Còn theo bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vifon, nhóm sản phẩm là từ bột mì, bột gạo như mì gói, hủ tiếu, phở, mì trứng, nui... đã nhận đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm cần thực hiện đúng tiến độ.

Tuy vậy, Vifon đã chủ động đàm phán với đối tác, khách hàng ở thị trường xuất khẩu để tạo nguồn cung phục vụ thị trường trong nước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Đồng thời, Vifon cũng tính đến những phương án linh hoạt sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước ở giai đoạn này.

Đồng quan điểm, một số doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với đặc thù của ngành, muốn tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài những nguyên liệu chính thì doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp với các loại nguyên phụ liệu khác nhau.

Nhưng trong tình hiện nay, khả năng nhà cung cấp này có thể sẽ dừng hoạt động bất cứ lúc nào và nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng doanh nghiệp sản xuất cũng phải ngừng hoạt động.

Chính vì vậy, đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... thì sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh có thể linh hoạt cho phép doanh nghiệp tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây.

Đơn cử, đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu… đều được đặt hàng gia công từ nhà cung cấp về gia vị, nếu sản lượng doanh nghiệp nhập về không đủ thì có thể chủ động gia giảm phù hợp.

Hiện nay, đối với việc bình ổn thị trường, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá bảo vệ phòng tuyến kênh phân phối hiện đại với khoảng 100 siêu thị và gần 2.860 cửa hàng tiện lợi đang duy trì hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân thành phố là một trong những giải pháp quan trọng.

Cùng với đó, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh linh hoạt hỗ trợ nhà bán lẻ, doanh nghiệp bán hàng online, đồng giá, combo và mua chung, nhằm vừa đảm bảo biện pháp chống dịch COVID-19, vừa cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân trên địa bàn với giá bình ổn.

Thống kê của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), lượng hàng hóa nhập về cho hơn 250 các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, HTVCo.op tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tương đối đầy đủ với giá cả bình ổn.

To chuc san xuat, phan phoi de binh on gia hang hoa thiet yeu hinh anh 1

TP Hồ Chí Minh nỗ lực điều tiết cung-cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bình ổn giá.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển, tập kết hàng hóa từ các tỉnh thành về Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước được khai thông thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách nên lượng về các điểm bán cũng đang ổn định và bắt đầu có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử... vẫn gặp khó ở khâu phân phối hàng hóa đến người dân trên một số địa bàn dân cư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, ngoài hình thức cung ứng hàng hóa đang thực hiện như mua sắm trực tiếp tại siêu thị, trang web, ứng dụng công nghệ... nhiều nhà bán lẻ cũng đề xuất thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung để khơi thông khâu cung ứng hàng hóa thiết yếu đến địa bàn khu vực dân cư, phong tỏa, cách ly...

Trước thực trạng này, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình "Siêu thị mini 0 đồng" với những tấm phiếu nghĩa tình có giá trị 200.000 đồng/phiếu.

Với tổng kinh phí lên đến 16 tỷ đồng, chương trình này đang phát huy vai trò cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân, sinh viên khó khăn đang lưu trú tại 20 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Tương tự, Dự án "Chợ nghĩa tình" của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đến 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, nhằm đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dự án đã tiếp nhận và xử lý 7.110 đơn hàng của 5.797 hộ dân tại khu cách ly, khu phong tỏa với tổng giá trị hơn 1,9 tỷ đồng.

Người dân kỳ vọng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và ngành công thương sớm giải quyết khó khăn trong khâu giao nhận đơn hàng online để người dân được tạo điều kiện thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

[Giá cả những tháng cuối năm: Điều hành giá thận trọng linh hoạt]

Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa có Công văn số 3093 gửi các cơ quan chức năng thành phố yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý và bình ổn giá trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2021.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn thành phố; trong đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất, vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp, giá cước vận tải... để kịp thời có giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng tập trung thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt yếu tố tình hình giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Đồng thời, các địa phương chủ động có kế hoạch, hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và quản lý giá; xử nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình giá cả thị trường; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất, vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp, giá cước vận tải....

Điều này nhằm hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường và đời sống người dân. 

Ngày 6/8, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Phước đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh với các hành vi kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá.

To chuc san xuat, phan phoi de binh on gia hang hoa thiet yeu hinh anh 2

Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước kiểm tra các cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, nhằm tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để tăng giá bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, tỉnh Bình Phước đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại 27 đơn vị, bao gồm: 3 siêu thị và 24/60 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Qua kiểm tra 24 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính đối với 9 cửa hàng với các hành vi kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá.

Việc tăng cường kiểm tra, xử lý giúp các siêu thị, cửa hàng nâng cao ý thức kiểm soát hạn sử dụng của hàng hóa; thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng theo giá đã niêm yết.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại hệ thống phân phối tại 56 chợ, 34 doanh nghiệp phân phối, 3 siêu thị bán lẻ, 60 cửa hàng Bách Hóa Xanh và hơn 500 cơ sở kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các kênh phân phối, nguồn cung hàng hóa dồi dào, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo Vietnamplus.vn

 

Các tin khác