Hiện nay tình trạng người dân tự mua thuốc thú y về chữa bệnh cho đàn vật nuôi không theo hướng dẫn của cơ quan thú y vẫn là vấn đề “nóng” ở nhiều địa phương. Cùng với đó là nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, phần lớn là nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, gây không ít khó khăn cho việc kiểm soát… Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội sẽ siết chặt việc quản lý, sử dụng, buôn bán thuốc thú y trên thị trường...
Vẫn “nóng” chuyện kinh doanh, sử dụng thuốc thú y
- Thời gian qua, có rất nhiều lo ngại liên quan đến vấn đề kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông có thể cho biết thực trạng hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc thú y hiện nay như thế nào?
- Thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 692 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã triển khai việc thống kê các cơ sở kinh doanh thuốc thú y để đánh giá thực trạng hoạt động, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật.
Cơ bản các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thành phố đều đã được tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan bao gồm: Luật Thú y năm 2015; Nghị định 35/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y; các thông tư của Bộ NN&PTNT hướng dẫn về quản lý thuốc thú y, quy định danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam…
Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý, hướng dẫn việc kinh doanh thuốc thú y theo các quy định của pháp luật; đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những vấn đề đặt ra qua thực tế kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn?
- Thực tế kiểm tra trên địa bàn cho thấy, vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh thuốc thú y chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật như: Chưa đủ diện tích khu biệt để kinh doanh thuốc thú y; để thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm dành cho con người; chưa có nhiệt kế để theo dõi, không có nơi bảo quản và nơi bán thuốc không duy trì nhiệt độ dưới 30°C... Việc đính nhãn tem phụ của một số cơ sở nhập khẩu thuốc thú y phân phối ra thị trường chưa thực hiện đúng quy định pháp luật. Nhiều nơi có kho bảo quản thuốc nhưng thiếu các trang thiết bị cần thiết...
Số loại thuốc thú y nằm trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam quá lớn, hiện có tới 12.501 sản phẩm được đăng ký lưu hành. Trong khi đó, không ít người tham gia kinh doanh thuốc thú y chưa nắm vững các quy định pháp luật. Chưa kể, phần lớn các cửa hàng chưa mở sổ sách theo dõi hoặc sắp xếp chưa đúng quy định - các loại thuốc kháng sinh xếp lẫn hóa chất hoặc thuốc bổ trợ. Đặc biệt vẫn có một số cửa hàng bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng...
- Theo ông, hiện việc sử dụng thuốc thú y (vắc xin, kháng sinh…) của người chăn nuôi như thế nào?
- Các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn có cán bộ thú y theo dõi thời kỳ sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi để tiêm vắc xin và sử dụng các loại thuốc phòng bệnh theo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc sử dụng thuốc thú y chưa theo các nguyên tắc hướng dẫn như: Đúng bệnh, đúng cách, đúng liều lượng… Qua tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi, kháng sinh đa số được sử dụng với mục đích phòng bệnh, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nhưng có trường hợp người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh trộn với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ nhất định không nhằm chữa bệnh mà để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Chưa kể một số hộ chăn nuôi còn tự mua thuốc về tiêm cho vật nuôi dù không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này… Do vậy, việc quản lý thuốc thú y gặp rất nhiều khó khăn.
Chăn nuôi nhỏ lẻ của Hà Nội vẫn chiếm tới 60%, trong khi đó, việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi còn hạn chế dẫn đến tình trạng phần lớn các hộ chăn nuôi sử dụng kháng sinh tùy tiện, ít chú ý đến quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất. Tình trạng sử dụng kháng sinh “ba không” (không đúng bệnh, không đúng liều lượng, không đúng lộ trình) khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người chăn nuôi do chi phí mua thuốc lớn; sản phẩm có lượng tồn dư kháng sinh cao nên khó tiêu thụ...
Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý
- Từ những vấn đề nêu trên, ông có thể cho biết thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ triển khai những giải pháp gì để quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc thú y?
- Trước hết, theo Luật Thú y, thuốc thú y là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này phải bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chủ cơ sở kinh doanh phải có bằng trung cấp chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản trở lên.
Triển khai thực hiện Luật Thú y, căn cứ các quy định về điều kiện nêu trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức cho 100% chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thành phố ký cam kết không buôn bán, kinh doanh thuốc không nằm trong danh mục cho phép; chất cấm; chất vàng ô; thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát, siết chặt việc quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, tiến tới kiểm soát được chất phụ gia, chất bảo quản trong nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Mặt khác, từ việc kiểm tra thực tế ở các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, nếu cơ sở chưa đạt yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn chủ cơ sở hoàn thiện thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh và yêu cầu các cơ sở này ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định; đồng thời, tuyên truyền để các cơ sở bán lẻ thuốc thú y nỗ lực đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP)...
- Thực tế cho thấy, cùng với việc quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thì việc hạn chế tình trạng lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là quá trình khó khăn và phức tạp. Cơ quan chuyên môn không thể bao quát toàn diện, kiểm soát thường xuyên việc kinh doanh và sử dụng kháng sinh.
Để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương làm tốt hơn nữa công tác tập huấn, tuyên truyền để khi sử dụng thuốc phòng bệnh, trị bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi tuân thủ đúng chỉ định ghi trên nhãn thuốc và hướng dẫn của cơ sở sản xuất; đồng thời tích cực tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc sai quy định và duy trì việc thông báo danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường các giải pháp thúc đẩy chăn nuôi theo phương thức sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược để nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh cho vật nuôi; đồng thời nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm… qua đó góp phần bảo vệ môi trường và phát triển ngành chăn nuôi của Hà Nội ổn định, bền vững...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hanoimoi.com.vn