Việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập từ Thái Lan đã tạo hiệu ứng tích cực cho ngành mía đường trong nước.
Đó là khẳng định của ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tuy nhiên, ông Dũng cũng nhấn mạnh, để phát triển trong dài hạn, ngành mía đường phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thưa ông, quá trình tiếp nhận hồ sơ từ ngành sản xuất trong nước cho tới khi khởi xướng điều tra và quyết định áp thuế đối với đường mía nhập từ Thái Lan diễn ra như thế nào?
Việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía của Thái Lan được Bộ Công thương khởi xướng từ tháng 9/2020 trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất trong nước. Bộ đã tiến hành khẩn trương theo đúng các quy định của Luật Quản lý ngoại thương cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sau một thời gian điều tra, ngày 9/2/2021, Bộ Công thương đã có quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Sau khi có quyết định sơ bộ, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường và các đơn vị liên quan thực hiện các bước điều tra tiếp theo.
Đến ngày 15/6/2021, Bộ Công thương đã ra Quyết định số 1578/QĐ-BCT, theo đó, áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65% đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm.
Ngành mía đường trong nước đã thực sự kiệt quệ bởi đường nhập khẩu bán phá giá. Mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp nói trên đã phản ánh đúng thực tế bán phá giá của đường mía xuất xứ từ Thái Lan chưa, thưa ông?
Trong quá trình điều tra, Bộ Công thương đã xem xét kỹ lưỡng việc phá giá/trợ cấp của phía Thái Lan gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, tác động đối với kinh tế - xã hội, kể cả tác động tới các doanh nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm đường mía.
Kết quả điều tra cho thấy, đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã bán phá giá ở mức 42,99%, được trợ cấp mức 4,65%. Tổng cộng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%.
Ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong một thời gian dài, thể hiện ở các yếu tố như: hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, làm suy giảm sản lượng, tiêu thụ, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận… Một loạt nhà máy đường phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.
Theo tính toán, 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1,5 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Ông đánh giá thế nào về tác động của việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời và mới đây là quyết định áp thuế chính thức đối với đường nhập khẩu tới ngành mía đường?
Kể từ khi áp thuế sơ bộ (tháng 2/2021), Bộ Công thương đánh giá, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường.
Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn trong năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn, giảm 75%. Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá đường sản xuất trong nước nhích lên, đồng thời, giá thu mua mía của nông dân đã tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.
Mặc dù vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước đã phải “bỏ cuộc chơi” vì đường nhập khẩu, diện tích mía cũng giảm xuống rất thấp. Liệu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có giúp sớm gia tăng diện tích trồng mía, thưa ông?
Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, tại nhiều địa phương, nhiều đơn vị sản xuất và người nông dân đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ 2021 - 2022. Phải nói rằng, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sẽ là điều kiện tốt để từng bước phục hồi vùng nguyên liệu của các nhà máy và các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đồng thời sẽ giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường nội địa trong thời gian tới.
Về mặt cung - cầu, biện pháp phòng vệ thương mại còn giúp cung - cầu trên thị trường được ổn định, giá đường trong nước có nhích lên, nhưng trong mức độ chấp nhận được và cũng trong phương án tính toán. Tất cả các yếu tố mục tiêu, chính sách đề ra cũng đã đạt được. Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nhập khẩu với tác động từ biện pháp này để có các giải pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như đảm bảo cung - cầu, ổn định thị trường theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để ngành mía đường phát triển trong dài hạn là nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Để làm được điều này, thì điều kiện quyết định là phải liên kết chặt chẽ giữa các nhà máy đường và nông dân, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân trồng mía.
Theo Baodautu.vn