Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021, đại diện các sàn thương mại điện tử tự tin sẽ hỗ trợ bán được 9.000 tấn vải. Tổng Giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng giải thích sự tự tin này là do ngay từ đầu vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, các sàn thương mại điện tử đã chung tay triển khai nhiều kế hoạch thúc đẩy quá trình đưa nông sản Việt đến tay người tiêu dùng. Ngoài 2 sàn Voso của Viettel Post và Postmart của Vietnam Post, 4 sàn Sendo, Lazada, Tiki và Shopee cũng đã mở gian hàng tiêu thụ vải Bắc Giang trong những ngày đầu tháng 6 như giảm giá, khuyến mại chi phí vận chuyển, tích điểm 5%...
Tình hình tiêu thụ rất khả quan. Tính đến ngày 6.6, các sàn đã bán hơn 800 tấn vải thiều, đưa 739 hộ nông dân lên gian hàng trực tuyến. Con số này cho thấy hiệu quả khả quan của các sàn thương mại điện tử trong nỗ lực phát triển kênh bán hàng và tiêu thụ nông sản. Kênh bán hàng này tạo ra xu hướng bền vững hơn, đó là giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi mô hình kinh doanh, khắc phục tình trạng phải “giải cứu nông sản” diễn ra nhiều năm qua.
Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần tìm đầu ra, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khiến các giao dịch thương mại truyền thống bị tắc nghẽn. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để phát triển tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử để giải bài toán cung cầu, giảm thiểu hàng tồn, logistics trong nông nghiệp.
“Khi nhận thức của bà con nông dân, người tiêu dùng đã được nâng cao, thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn, các khâu khác trong chuỗi cũng được cải thiện. Khi đó, việc mua bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử sẽ diễn ra sôi động hơn, sản phẩm bán được nhiều hơn, dần dần, việc mở rộng ra các sàn thương mại điện tử khác, mở rộng ra các sản phẩm khác không phải là bài toán khó”, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến Thương mại), nhận định.
|
Người nông dân bây giờ còn được tập huấn để sử dụng smartphone đưa thông tin lên sàn cũng như biết cách chốt đơn hàng rồi livestream bán hàng. |
Người nông dân bây giờ không chỉ biết tay cày, tay cuốc mà còn được tập huấn để sử dụng smartphone đưa thông tin lên sàn cũng như biết cách chốt đơn hàng rồi livestream bán hàng. Ông Phan Văn Nết, Giám đốc Hợp tác xã Phì Điền (Lục Ngạn, Bắc Giang), cho rằng lợi ích lớn nhất khi nông sản được đưa lên sàn là nhà vườn tiếp cận được rất nhiều khách hàng để bán hàng trực tiếp, thay vì phải bán cho thương lái như trước đây. Nhiều nông sản khác như táo, cam, bưởi... cũng tiêu thụ được nhiều hơn, giá bán ổn định hơn.
Khó khăn nhất đối với người nông dân tham gia các sàn là khâu bảo quản, vận chuyển đến các đơn vị đặt hàng. Nhưng khó khăn này đang được nghiên cứu để khắc phục, đặc biệt là có sự hỗ trợ của các đơn vị giao nhận thương mại điện tử chuyên nghiệp. Với dịch vụ giao nhận thương mại điện tử, nông sản như vải thiều sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6-48 giờ sau thu hoạch.
Được biết, “kỳ lân” Grab cũng tham gia chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong dịp này, Big C Việt Nam và Grab Việt Nam triển khai chương trình Chung tay hỗ trợ nông sản Bắc Giang trên nền tảng GrabMart.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết: “Sắp tới, GrabMart sẽ tiếp tục có những chương trình ý nghĩa khác để mang nông sản chất lượng từ nguồn đến tận tay người dân, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các địa phương trong cả nước". Hay Voso sẽ đưa nhân viên tới tận vườn hướng dẫn, đào tạo bà con nông dân cách bán hàng trên sàn, đồng hành thực hiện livestream và hỗ trợ các phương thức quảng cáo khác...
Chợ Tốt cùng beDelivery thực hiện dự án “Chia Ngon Sẻ Ngọt" hỗ trợ nhà vườn hay sạp bán trái cây nào cũng có thể đăng bán dễ dàng trên chuyên mục “Đồ ăn - Thực phẩm” miễn phí. Nhà vườn và các sạp trái cây, nông sản sẽ lập tức tiếp cận được với hơn 10 triệu người dùng của Chợ Tốt trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, các đơn hàng mua trái cây và nông sản sẽ được beDelivery hỗ trợ giao hàng tận nhà miễn phí trong vòng bán kính 4km (tối đa 20.000 đồng/chuyến).
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám Đốc Tăng trưởng & Chiến lược của Chợ Tốt, cho biết: “Năm nay là năm thứ 2 Chợ Tốt thực hiện chương trình “Chia Ngon Sẻ Ngọt"; đối với chiến dịch lần này chúng tôi muốn góp phần giúp trái cây Việt Nam vốn rất ngon và có tiếng trên thị trường quốc tế được lan tỏa đến với người dân trong nước nhiều hơn.”
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc VinCommerce, cho biết VinCommerce cũng cam kết sẽ thu mua 2.000 tấn vải thiều để hỗ trợ nông sản địa phương và đang mở rộng ra nhiều sản phẩm khác. Đặc biệt, ngoài mua trực tiếp vải thiều tại hệ thống hơn 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, khách hàng có thể mua sản phẩm này tại gian hàng VinMart trên trang thương mại điện tử Lazada. “Việc hợp tác phân phối hàng hóa qua Lazada giúp VinCommerce dần hoàn thiện phương thức kinh doanh, phân phối đa kênh. Đặc biệt, phương thức phân phối này đảm bảo an toàn mua sắm trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”, bà Phương cho biết.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia lựa chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Không chỉ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn cũng có kế hoạch liên kết với các sàn thương mại quốc tế như Alibaba (Trung Quốc) hay Rakuten (Nhật) với kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái cây, nông sản của Việt Nam. Cục Xúc tiến Thương mại đang làm việc với sàn Alibaba.com để mở một gian hàng quốc gia trên trang này, nhằm đưa hàng Việt ra thế giới. “Chúng tôi đang tập trung xây dựng hình ảnh sản phẩm trước, mà đầu tiên là với gạo, cà phê... Hiện đã có đối tác ngoại sau khi xem hình ảnh trên trang đã yêu cầu chúng ta gửi mẫu sản phẩm thật để xem xét, đặt hàng”, bà Minh Thúy nói.