EnglishKoreaChina

CPI 7 tháng đầu năm tăng 1,64%, thấp nhất kể từ năm 2016

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.

Nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2021 tăng là giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ. Trong khi đó, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.

CPI 7 tháng đầu năm tăng 1,64%, thấp nhất kể từ năm 2016 - 1
CPI 7 tháng năm 2021 tăng 1,64%, thấp nhất kể từ năm 2016

 

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 7, có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm giảm giá, riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.

Nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,36% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% so với tháng trước.

Sau đó đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến làm giá lương thực, thực phẩm tăng.

Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm mạnh nhất 0,1% so với tháng trước, chủ yếu do giá du lịch trọn gói giảm 0,05%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,41%; giá cây, hoa cảnh giảm 0,53%.

Tổng cục Thống kê cho biết nhiều nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm 2021 là trong 7 tháng giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 7 tháng năm nay tăng 20,36%, làm CPI chung tăng 0,73 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân như giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới; giá dịch vụ giáo dục 7 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng năm 2021 tăng...

Ngoài các nguyên nhân làm tăng CPI, cũng có một số nguyên nhân làm giảm CPI 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng giảm; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19; ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại.

Theo VTC News

Các tin khác