Nghiên cứu khoa học về nông nghiệp vẫn đang thực hiện những vấn đề do mình nghĩ ra, để rồi sau khi nghiệm thu là đưa các kết quả vào lưu trữ...
Nhà văn Lỗ Tấn đã từng khẳng định "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi".Nghiên cứu khoa học và công nghệ chính là cái sự “đi mãi” để mở ra những con đường cho mọi người, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp.
Nghiên cứu toàn diện chuỗi cung ứng
Các doanh nghiệp lớn khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất nông sản nào đều tổ chức một đội ngũ nghiên cứu thị trường hùng hậu và khá lâu dài trước khi bắt tay vào thực hiện sản xuất và chế biến nông sản lĩnh vực đó.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo phải có những nghiên cứu rất công phu về thị trường trước khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này
Năm 2018 và vài năm sau đó, khi thực hiện phát triển thị trường gạo, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với Tập đoàn Sao Mai và càng thấy rõ để bước chân vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo, một mặt hàng đã quá quen thuộc và nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế, tập đoàn này đã thận trọng tổ chức đội ngũ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu chuỗi cung ứng gạo trên thị trường xuất khẩu và nội tiêu rất công phu, chắc chắn.
Việc phát triển ngành chế biến gỗ trong những năm qua cũng cho thấy những ví dụ đáng quan tâm. Mặc dù sản phẩm gỗ của Việt Nam đã rất thành công, cung cấp các sản phẩm khá rộng rãi và khá nổi tiếng trên thị trường thế giới, mỗi năm thu về cả trên chục tỷ USD, nhưng do không có những nghiên cứu cần thiết về chuỗi cung ứng trên thị trường nội địa, nên thị trường này với gần 100 triệu dân gần như bỏ ngỏ cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh và cũng hầu như chưa có chính sách khả dĩ để doanh nghiệp Việt Nam nào có thể bước chân mạnh mẽ vào thị trường nội địa.
Thậm chí các thông tin về thị trường gỗ và sản phẩm gỗ nội địa của Việt Nam cũng hầu như… không có, hoặc không thể tìm được để có thể hoạch định được các chính sách phát triển phù hợp.
Thiếu những nghiên cứu bài bản, dài hơi về thị trường khiến ngành gỗ Việt Nam bỏ ngõ thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh
Chính vì vậy, để phát triển bền vững thị trường nông sản, việc cần làm ngay lúc này là huy động các nhà khoa học tập trung nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản chủ lực, tại các vùng trọng điểm nhằm hướng đến việc không chỉ người nông dân, người sản xuất nông sản chủ động trong công việc của mình mà ngay những cơ quan quản lý nhà nước cũng có đầy đủ thông tin, cơ sở vững chắc để hoạch định các chính sách phát triển cần thiết.
Muốn phát triển thị trường nông sản bền vững cần có những cơ chế, chính sách phù hợp. Để có được điều này thì thông tin về chuỗi cung ứng nông sản phải đi trước một bước và những nghiên cứu về chuỗi cung ứng này còn phải đi trước nhiều hơn nữa.
Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản
Bảo quản và chế biến nông sản mặc dù đã được coi là một trong ba nút thắt của nền kinh tế nông nghiệp hiện nay, là một trong những “lời nguyền” cần được giải để đưa nông nghiệp lên một bước chuyển mới, nhưng đây cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều điều cần quan tâm, cả trên bình diện nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ.
Là ngành đóng góp chủ lực cho xuất khẩu, nhưng gần như không có những đề tài nghiên cứu nào về chế biến, bảo quản thủy sản trong những năm qua
Trong báo cáo kết quả thực hiện Chương trình công nghệ sinh học lĩnh vực thủy sản cho thấy trong hơn 10 năm thực hiện chương trình này, không hề có bất cứ một đề tài nào liên quan đến bảo quản thủy sản được đề xuất và thực hiện, dù kinh phí của chương trình dành cho vấn đề này luôn có và hàng năm đều có những kêu gọi các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Bộ NN-PTNT tham gia thực hiện chương trình.
Đối với lĩnh vực nông sản cũng vậy. Tham gia nhiều hội đồng xác định danh mục và tuyển chọn đề tài, dự án hàng năm tôi thấy rất rõ trong thời gian qua, hầu như có rất ít đề xuất nghiên cứu trong lĩnh vực này dù cho lãnh đạo Bộ luôn khẳng định đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của nghiên cứu và phát triển sản xuất.
Kết quả của "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học lĩnh vực NN-PTNT đến năm 2020" và "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020” tại các Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/1/2006 và số 97/2007/QĐ-TTg ngày 28/6/2007 cũng đã cho thấy việc triển khai nghiên cứu về bảo quản, chế biến nông sản cực kỳ mờ nhạt.
Những nghiên cứu về công nghệ chế biến nông sản suốt những năm qua cũng hoàn toàn mờ nhạt
Các nhiệm vụ nghiên cứu mảng này vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng lẫn tầm nhìn. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lại có rất nhiều yêu cầu cần các nhà khoa học nghiên cứu và giải quyết để phát triển sản xuất tốt hơn nhưng không biết phải đưa yêu cầu đó đến đâu để đạt được mong muốn của mình.
Rõ ràng, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học vẫn đang thực hiện những vấn đề nghiên cứu do mình nghĩ ra để rồi sau khi nghiệm thu là đưa các kết quả vào lưu trữ mà không hề biết đến những vấn đề của thực tiễn sản xuất, của doanh nghiệp chế biến và nhà nông.
Một số khuyến nghị
Trước hết, cần đặt ra một chương trình dài hạn, ít nhất là trong 5 năm tới với những mục tiêu cụ thể, minh bạch, đồng thời đẩy mạnh các hình thức khuyến khích các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu tập trung triển khai, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại trong thực tiễn sản xuất.
Thứ hai, có cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các kênh thông tin hữu hiệu nhằm tạo ra sự kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm giải quyết trực tiếp những vấn đề của sản xuất.
TS Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, cần có những nguồn lực dài hơi phục vụ cho nghiên cứu về bảo quản, chế biến nông sản trong giai đoạn tới
Nên dành một tỷ lệ kinh phí khoa học công nghệ nhất định dành cho các doanh nghiệp bảo quản, chế biến nông sản chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu khoa học để vừa tạo điều kiện nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa tạo điều kiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn sản xuất đặt ra.
Thứ ba, xây dựng chính sách sử dụng kinh phí nghiên cứu phù hợp, tránh tình trạng bắt các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ vừa phải tinh thông công việc nghiên cứu lại cũng phải là những nhà kế toán đại tài như hiện nay.
Thứ tư, xây dựng hệ thống cung cấp nguồn lực khả thi và hữu hiệu cho việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ. Một đề tài dự án cần kinh phí 10 tỷ đồng, nhưng chỉ có thể có được 5 tỷ đồng mà vẫn bắt thực hiện đầy đủ thì kết quả thế nào chắc ai cũng rõ!
Thứ năm, cần có kế hoạch sử dụng có hiệu quả lực lượng các nhà khoa học đã nghỉ chế độ trong việc phát triển ngành. Hiện chúng ta có khá nhiều hội, hiệp hội… quy tụ rất nhiều nhà khoa học giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết với nền khoa học công nghệ nông nghiệp nước nhà nhưng hầu hết vẫn chưa được sử dụng có hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng, cần có chính sách quy tụ các nhà khoa học đã nghỉ hưu, giàu kinh nghiệm vào công tác nghiên cứu KH-CN của ngành nông nghiệp
Việc đưa các hội, hiệp hội chuyên ngành, như Hội Khoa học và công nghệ Lương thực thực phẩm Việt Nam tham gia, tham vấn và phản biện những chiến lược, định hướng và kế hoạch hoạt động của ngành trước khi ban hành, trình Chính phủ ban hành để thực hiện chắc chắn sẽ khiến cho các chiến lược, kế hoạch đó có tính khả thi, khả dụng cao hơn.
TS Nguyễn Mạnh Dũng được đào tạo chuyên môn về chế biến, bảo quản nông sản. Ông nguyên là Trưởng phòng Chế biến, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm trồng trọt thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT).
TS Nguyễn Mạnh Dũng đã từng tham gia hoạch định nhiều chính sách về chế biến nông, lâm, thủy sản và công bố nhiều xuất bản phẩm trong lĩnh vực NN-PTNT.
Trong đó có cuốn “Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” - Một chiến lược phát triển nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa”, Nhà xuất bản nông nghiệp, Hà Nội 2006.
"Chắc chắn là cần sớm xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các nhà khoa học.
Thực tế những năm qua cho thấy những ai có được, “chạy" được đề tài, dự án nghiên cứu thì có kinh phí để hoạt động nghiên cứu và phần nào bù đắp được cuộc sống, số còn lại chắc cũng rất khó khăn trong hoạt động nghiên cứu, cũng như trong cuộc sống của mỗi người". |
Theo Nongnghiep.vn