EnglishKoreaChina

Gần 5.000 tấn nhãn sắp thu hoạch 'tắc' đầu ra

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, do các địa phương thực hiện cách ly xã hội nên việc tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trước mắt trong tháng 7 và 8 này có hơn 4.700 tấn nhãn cả nước đến vụ thu hoạch nhưng chưa kết nối được đầu ra với số lượng lớn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), dự kiến năm 2021, tổng sản lượng nhãn trên cả nước sẽ đạt 637.000 tấn (tăng khoảng 8% so năm 2020).

Tại khu vực phía Nam, sản lượng nhãn ước đạt 337.000 tấn (tăng khoảng 4% so với năm 2020 ). Trong đó sản lượng đã thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 60.000 tấn, dự kiến sản lượng thu hoạch 6 tháng cuối năm khoảng 177.000 tấn.

Tại khu vực phía Bắc, sản lượng ước đạt 300.000 tấn (tăng hơn 13% so năm 2020). Trong đó, nhãn sớm thu hoạch từ 15/7 - 31/7 đạt 63.600 tấn, nhãn chính vụ thu hoạch từ 1/8 - 31/8 đạt 204.300 tấn (68,1%); nhãn thu hoạch từ sau 31/8 đạt 32.100 tấn.

Một số tỉnh có số lượng nhãn lớn như Hưng Yên (50.000-55.000 tấn); Sơn La (98.500 tấn); Hải Dương (9.000 - 10.000 tấn); Bắc Giang (20.000 tấn); Hà Nội (13.000 tấn)…

Sản lượng nhãn được sản xuất tại các mã số vùng trồng đạt 21.989 tấn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ cho việc xuất khẩu quả nhãn sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ và một số thị trường khác.

Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển nông sản, hiện nay các địa phương thực hiện cách ly xã hội nên việc tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trước mắt trong tháng 7 và 8 này có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch nhưng hiện chưa kết nối được đầu ra với số lượng lớn.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để tháo gỡ đầu ra cho các nông sản đến vụ thu hoạch, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTN đang yêu cầu các địa phương thống kê, công bố từng địa chỉ cụ thể những nơi có nông sản cần tiêu thụ và những doanh nghiêp, hợp tác xã có nhu cầu mua nông sản lên truyền thông, mạng xã hội để hai bên kết nối tiêu thụ dễ dàng hơn.

Trước tình hình việc lưu thông gặp khó khăn, ông Nam cho biết, đang đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho thương lái, và doanh nghiệp đến thu mua, địa phương nào để nông sản ùn ứ, ách tắc, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố đó phải chịu trách nhiệm.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền.

Các tin khác