Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết, phương tiện vận chuyển hạn chế khiến chuỗi cung ứng gặp khó khăn, giá tại chợ truyền thống tăng 1,5-2 lần so với trước khi giãn cách.
Tại hội nghị sơ kết 7 ngày cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, chuỗi cung ứng của thành phố gặp khó khăn do hạn chế về phương tiện vận chuyển. Giá cả tại chợ truyền thống biến động mạnh, tăng 1,5-2 lần so với trước khi giãn cách. Riêng giá tại hệ thống siêu thị như Saigon Co.op và Satra vẫn ổn định, không thay đổi.
Giá thực phẩm tăng gấp 1,5-2 lần ngày thường.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đã làm việc với các đơn vị như Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử, bằng chính kho hàng của họ và các đơn vị này đã đồng ý.
Theo ông Vũ, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày người dân TP.HCM cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm. Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%.
Hiện tại các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn nâng quy mô, năng lực cung ứng, nhưng so với nhu cầu của người dân thì thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống... mỗi ngày.
Sở Công thương đã phối hợp TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn tìm giải pháp khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm địa điểm trung chuyển hàng hóa, đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả ở các địa phương đổ về.
Sở Công thương cũng khuyến khích các tiểu thương giao dịch trực tuyến và vận chuyển hàng hóa về. Đặc biệt, ông Vũ cho biết Sở đang có phương án huy động các công ty bưu chính, giao hàng, logictics bổ sung 1.000 địa điểm bán hàng.
"Ngày mai 16/7 chính thức khởi động, sử dụng hệ thống cửa hàng hiện có của đơn vị cung ứng đang hoạt động, huy động 7 công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán này với công suất đặt ra là 1.000 tấn", ông Vũ thông tin.
Sở Công thương cho biết sẽ làm việc với các quận, huyện để đánh giá việc mở lại chợ truyền thống đủ điều kiện phòng chống dịch.
"Hiện nay quận huyện rất khó về lực lượng, chúng tôi sẽ bàn bạc, nghiên cứu các chợ sẽ hoạt động theo mô hình tự quản, giảm thiểu tối đa số lượng sạp để thực hiện 5K, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu, tiếp tục suy nghĩ ứng dụng công nghệ thông tin, đưa dần chợ có đủ điều kiện vào hoạt động để giúp người dân thu nhập trung bình và thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nguồn rau củ quả", ông Vũ nói.
Theo VTC News