EnglishKoreaChina

Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên 2021

Ngày 15/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên diễn ra “Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Gồm các lãnh đạo ban ngành liên quan cùng 72 điểm cầu, trong đó 12 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 60 điểm cầu tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Cắt băng xuất hành đưa nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối

Hội nghị được tổ chức với quy mô lớn dưới sự phối hợp của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hưng Yên. 

 

Theo báo cáo, tỉnh Hưng Yên năm 2021, bội thu nông sản, trong đó nhãn đạt khoảng 55.000 tấn, cam 30.000 tấn, chuối 70.850 tấn… Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Dự báo được hiện trạng này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, “Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên năm 2021” với 72 điểm cầu trong và ngoài nước. Tiếp đến là một số sự kiện xúc tiến tiêu thụ khác sẽ được triển khai như: Tuần lễ nhãn lồng - nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 tại Hà Nội; phối hợp quảng bá nhãn lồng - nông sản Hưng Yên tại sự kiện xúc tiến du lịch, giới thiệu văn hóa Hưng Yên tại khu vực Nhà bát giác - Phố đi bộ (Hà Nội) hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2021; phiên chợ Cam Hưng Yên năm 2021; tuần lễ Cam và nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2021 tại Hà Nội…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - đại diện cơ quan quản lý Nhà nước - đơn vị phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức sự kiện đánh giá cao sự tham gia của đông đảo các cơ quan đối tác vào sự kiện này, đồng thời khẳng định: “Hơn 50.000 tấn nhãn của Hưng Yên chưa phải là số lượng lớn, và hội nghị ngày hôm nay cũng không phải chỉ để mục đích tiêu thụ sản lượng này, mà quan trọng hơn nữa, kể cả đối với sản lượng nhãn của tỉnh Hưng Yên và các tỉnh xung quanh của Hưng Yên còn có số lượng lớn hơn nữa. Quan trọng nhất là chúng ta phải đưa ra thị trường quốc tế những sản phẩm đảm bảo chất lượng để từ những năm sau có được thương hiệu và việc tiêu thụ bền vững hơn, căn cơ hơn so với những biện pháp mà chúng ta đang làm hiện nay”.

Tại điểm cầu Hoa Kỳ, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ: Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ. Các loại hoa quả khác xuất khẩu dưới dạng chế biến. Cơ quan Chính phủ 2 bên đang đàm phán để Hoa Kỳ cấp phép xuất khẩu thêm cho trái cây tươi của Việt Nam. Tuy vậy, trái cây Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đang bị cạnh tranh gay gắt. Để xuất khẩu bền vững trái cây sang thị trường này, ông Bùi Huy Sơn cho rằng: Doanh nghiệp trong nước cùng nhà nhập khẩu nghiên cứu phương thức thanh toán phù hợp, tránh rủi ro; thuê kho lạnh để bảo quản và bảo đảm chất lượng trái cây tươi; chủ động cập nhật thông tin thị trường hoa Kỳ; kiên trì cung cấp sản phẩm cho các hệ thống phân phối lớn, sản phẩm hữu cơ mới có thể đảm bảo cạnh tranh và xuất khẩu bền vững. “Thị trường Hoa Kỳ hiện ưa chuộng sản phẩm ăn liền, trái cây cần được cắt nhỏ, đóng khay, kèm dĩa, thìa phục vụ ngay cho người tiêu dùng”.

Cũng tại hội nghị, một số đại diện cơ quan thương mại, doanh nghiệp phân phối xuất khẩu nông sản nước ngoài và đại diện một số cơ quan quản lý Nhà nước, một số tỉnh, tham tán thương mại đã tham luận nêu bật những tiền năng thị trường nước ngoài và lợi thế của nông sản Việt Nam, trong đó, có quả nhãn ở Hưng Yên; tình hình thị trường nông sản một số nước, nhưng thách thức và cơ hội xuất khẩu nông sản và một số giải pháp tăng cường xuất khẩu nông sản trên thị trường quốc tế…

Bày tỏ lòng cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp tại các điểm cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên khẳng định: Trong thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, phục vụ tốt cho việc giao thương, tiêu thụ nhãn lồng và nông sản niên vụ 2021 và các niên vụ tiếp theo. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kinh doanh và tham gia ký kết hợp đồng mua bán nhãn lồng và nông sản. Đặc biệt với các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á, nhất là tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) mong muốn được tăng cường trao đổi hợp tác, kinh doanh nhằm thúc đẩy, mở rộng tiêu thụ nhãn và nông sản cho bà con nông dân Hưng Yên”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa kỳ vọng.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Hưng Yên; các bộ, ngành trung ương và doanh nghiệp đã khởi động “Chương trình đưa nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử”; ký kết hợp tác hỗ trợ đưa nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử; ký kết hợp tác tiêu thụ nhãn giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, nhà vườn trong nhãn lồng; cắt băng xuất hành đưa nhãn Hưng Yên vào hệ thống phân phối.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các tin khác