EnglishKoreaChina

Kết nối cung cầu, xây dựng hệ thống phân phối “Tinh hoa hàng Việt Nam"

Việc phát triển hệ thống phân phối “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt chất lượng toàn cầu (xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…) đến với người tiêu dùng trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 (Đề án 634). Đây là một trong những giải pháp quan trọng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2014-2020.

Sau 6 năm triển khai, Đề án 634 đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam”.

Triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn mới, giai đoạn 2021-2025, ngày 17 tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 (Đề án 386), theo đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động theo các nội dung của Đề án 386.

Mục tiêu của Đề án 386 là phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Đề án 386 cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu gồm: Giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ với nội dung “Tự hào hàng Việt Nam”, điểm mới của Đề án đó là tập trung triển khai nội dung về truyền thông, kết nối cung cầu, xây dựng hệ thống phân phối với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam” để tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt chất lượng toàn cầu (xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…) đến với người tiêu dùng trong nước nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, ...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam

Các tin khác