Theo Sở Công Thương TP.HCM, tại các chợ truyền thống, lượng người mua giảm rõ và thành phố không còn khan hiếm rau củ, thực phẩm.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM chiều 19/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tình hình mua sắm của người dân thành phố những ngày qua giảm rõ rệt.
“Đặc biệt tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa lẫn số lượng người mua đều giảm. Các chuyến hàng lưu động có trường hợp dư thừa, tồn và phải mang về. Thành phố không còn khan hiếm rau củ, thực phẩm”, ông Phương khẳng định.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.
Chiều nay, 44 chợ truyền thống ở thành phố mở cửa, cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân.
Ông Phương cũng thừa nhận việc cung ứng hàng hóa về thành phố thời gian qua còn gặp khó khăn. Nguyên nhân, lực lượng triển khai đến các địa phương còn máy móc, cứng nhắc, gây ảnh hưởng việc thu mua, vận chuyển hàng hóa.
Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đều bị ảnh hưởng do giãn cách, ông Phương cho biết, Sở Công Thương đang rà soát lại nguồn cung ứng và báo cáo khó khăn cũng như khả năng ảnh hưởng tác động nguồn thu.
Sở Công Thương TP.HCM đã liên hệ Sở Công Thương các tỉnh, thành nhờ hỗ trợ, tìm nhà cung ứng khả năng kết nối và đáp ứng nguồn hàng hóa cho thành phố.
"Với nỗ lực của hệ thống phân phối, mạng lưới thu mua, chúng tôi cũng vận động được nhiều đơn vị có năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện tham gia kết nối doanh nghiệp nguồn cung hàng hóa để đưa hàng hóa về thành phố kịp thời", ông Phương nói.
Ông Phương cho biết thêm, thời gian qua, TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường và phát huy tác dụng rất cao vào một số thời điểm giá cả hàng hóa tăng đột biến.
Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận vào một số thời điểm giá gạo ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây tăng cao dù gạo không thiếu; hoặc đôi khi mặt hàng trứng gia cầm cũng tăng rất cao.
Ông Phương khẳng định việc tăng giá những ngày vừa qua hoàn toàn không liên quan đến việc đầu cơ tích trữ mà là khó khăn và sự trục trặc của hệ thống phân phối do tình hình dịch bệnh. Đến hôm nay, hệ thống phân phối đã được phát triển và tương đối đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Dù khó khăn, hệ thống phân phối và doanh nghiệp bình ổn thị trường vẫn cố gắng giữ giá mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo đúng giá bình ổn thị trường, dẫn đến sự chênh lệch giữa giá trong siêu thị và bên ngoài.
Theo ông Phương, thanh tra sở cùng các phòng chuyên môn đã tổ chức theo dõi, giám sát tình hình cung ứng hàng hóa tại các chuỗi cung ứng hiện đại. Ngày 20/7, Sở sẽ cùng Cục Quản lý thị trường để tăng kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay trường hợp lợi dụng chênh lệch giá để gom hàng, nâng giá.
Theo VTC News