TP.HCM luôn đảm bảo hành hóa thông suốt trong thời gian giãn cách xã hội, điều tiết giao thông từ xa để không ùn ứ, tiếp tục tiêm hơn 1,1 triệu liều vắc-xin cho người dân.
169 chợ và 4 siêu thị tạm ngừng vì dịch
Thông tin tại buổi họp báo diễn ra vào tối ngày 12/7 về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, TP.HCM đang có 169 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối và 4 siêu thị tạm ngưng hoạt động do liên quan ca nhiễm Covid-19.
Theo ông Phương, ngành công thương Thành phố đang nỗ lực rất lớn để đảm bảo nguồn cung ứng nhu yếu phẩm tại các khu vực, nhất là khu vực đang bị cách ly y tế, khu vực phong tỏa.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo.
Trả lời về việc một số nơi thiếu hàng hóa và giá bán cao, ông Phương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển hàng hóa về Thành phố gặp khó khăn, nhất là việc cung ứng hàng hóa cho các cửa hàng nhỏ lẻ, len lỏi khu dân cư hay các siêu thị tiện lợi.
"Một vài thời điểm, 1 số nơi hàng hóa thiếu và giá cả tăng do tình hình dịch bệnh của các địa phương là vùng nguyên liệu có diễn biến phức tạp, nên hàng hóa vận chuyển về Thành phố chậm hơn so với tiến độ", ông Phương chia sẻ.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết thêm, trên tổng thể ngành công thương cố gắng đảm bảo không để thiếu hàng hóa, nhất là trong các siêu thị có kho dự trữ. Có những sản phẩm đặc biệt như hàng nhập khẩu, hàng hữu cơ... các mặt hàng này phải để ở khay hàng riêng, song do dán mã hàng không rõ ràng nên gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng là sản phẩm bị tăng giá gấp nhiều lần.
Thông tin về việc nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực phong tỏa, cách ly trên đường Bùi Văn Ba, quận 7, TP HCM bị thiếu thực phẩm thiết yếu. Ông Phương cho biết, tại đây có 4 điểm bán hàng hóa. Tuy nhiên, do thời gian qua khu vực này có nhiều ca lây nhiễm khiến việc cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.
Đến sáng nay (12/7), lượng hàng hóa đã được cung ứng đầy đủ đáp ứng nhu cầu của người dân tại khu vực này. Sở Công Thương cũng đã kết nối với các cửa hàng tại khu vực lân cận tạm thời chuyển hàng qua hỗ trợ địa phương. Đồng thời, bổ sung thêm xe bán hàng lưu động nên việc cung ứng hàng hóa tại khu vực đường Bùi Văn Ba sẽ được đảm bảo trong thời gian tới.
Điều tiết, phân luồng giao thông từ xa
Về tình hình giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, những ngày giãn cách xã hội, TP.HCM giảm 70-80% xe lưu thông, đường sá ít người qua lại. Trong vận chuyển hàng hóa, vấn đề đặt ra là làm sao vừa giãn cách xã hội mà vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM và ngược lại.
Ông Trần Quang Lâm cho biết, Sở đã cấp giấy nhận diện khi lưu thông qua khu vực kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và đến nay đã cấp gần 17.000 giấy nhận diện cho các xe chở hàng hóa thiết yếu, giúp đảm bảo nhu cầu của người dân trong thời điểm giãn cách.
Về giao thông ở các chốt, TP.HCM có 322 chốt kiểm soát của Thành phố và các quận, huyện để phòng chống dịch. Trong đó, chỉ có một vài điểm ở quận Gò Vấp bị ùn ứ. Để tránh ùn ứ ở các chốt kiểm soát, Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp với các quận huyện để điều tiết, phân luồng từ xa, không để ùn ứ, tập trung đông người.
Các quận, huyện cũng linh động tăng giảm số lượng các chốt cho phù hợp tình hình. Tạo thuận lợi cho người dân, hôm nay, TP.HCM đã chỉ đạo đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi Thành phố do nhu cầu thật sự cần thiết thì không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đối với công nhân ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ông Trần Quang Lâm cho hay, về mức độ ứng phó với dịch bệnh, hiện có 3 nhóm doanh nghiệp. Đó là những doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly; những doanh nghiệp có nhu cầu duy trì sản xuất ở mức độ nhất định.
Tuy nhiên khó khăn là kiểm soát quá trình di chuyển của công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc an toàn; và những doanh nghiệp dừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội. TPHCM đang phối hợp để đánh giá lại mức độ ở các doanh nghiệp. Trong đó, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp có giải pháp hạn chế đi lại như tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất; tổ chức ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông qua lại giữa các địa phương…
“Lực lượng chức năng ở 322 chốt không thể kiểm tra được hết, mong người dân tiếp tục hạn chế đi lại thêm một thời gian nữa, cùng chia sẻ, chung sức với TP.HCM”, ông Trần Quang Lâm nhắn nhủ.
Toàn cảnh buổi họp ngày 12/7
Trả lời câu hỏi về tiêm vắc-xin cho tài xế và shipper, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay, TP.HCM là địa phương tiêm sớm nhất, nhiều nhất đối với tài xế. Riêng xe buýt, đã có 70% tài xế được tiêm phòng. Thời gian qua, TP.HCM đã tiêm vắc-xin đối với hơn 10.000 tài xế xe buýt, taxi, xe tải. Hiện còn 7.000 tài xế taxi, 8.000 tài xế xe tải chưa được tiêm. Trong thời gian tới sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin đối với các shipper bởi đây là lực lượng giao nhận hàng hóa nhiều trong thời điểm giãn cách xã hội.
Tiếp tục tiêm hơn 1,1 triệu liều vắc-xin cho người dân
Thông tin về vấn đề vắc-xin tại buổi họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mối quan tâm rất lớn của người dân và cơ quan hiện nay là vấn đề vắc-xin. TP.HCM đã được phân bổ hơn 54.000 liều vắc-xin Pfizer.
Dự kiến trong thời gian ngắn nữa, TP.HCM sẽ được tiếp nhận 1 triệu liều vắc-xin Moderna, 100.000 liều vắc-xin AstraZeneca. Với hơn 1 triệu liều này, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm cho người dân trên địa bàn Thành phố.
Về các đối tượng được tiêm vắc-xin đợt này, ông Nam cho biết, theo kế hoạch sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người có bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tiện ích, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và một số ngành nghề khác. Bên cạnh đó, đợt tiêm vắc xin này cũng sẽ ưu tiên cho công nhân, người nước ngoài trên địa bàn Thành phố.
“Nếu đợt trước ưu tiên cho lực lượng phòng, chống dịch, thì lần này người dân sẽ được ưu tiên tiêm chủng. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ phối hợp rà soát các đối tượng này”, ông Nam nói.
Về kế hoạch tiêm chủng, phó giám đốc Sở Y tế cho biết, Thành phố sẽ thành lập trung tâm điều phối vắc-xin do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố điều phối chung. Kế hoạch tiêm diễn ra nhanh, an toàn, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc không tập trung đông người.
Thành phố tổ chức 630 điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận, huyện. Mỗi trạm tiêm có 2 bàn tiêm, phường, xã có đông dân cư thì bố trí thêm bàn tiêm nhưng mỗi trạm chỉ tiêm cho 120 người, nhằm bảo đảm tổ chức giãn cách. Dự kiến sau 2-3 tuần, Thành phố sẽ tiêm hết được số vắc-xin phân bổ.
Theo Tin nhanh chứng khoán