EnglishKoreaChina

Vì sao hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rút khỏi EU?

Châu Âu (EU) là một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất thế giới. Đây cũng là thị trường mà cá tra Việt Nam đang chi phối và dường như không có đối thủ cạnh tranh. Song từ đầu năm đến nay, đã có gần 25 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam rút khỏi thị trường này.

Hiện tại, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU liên tục giảm. Tính đến nửa đầu tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 51 triệu USD (giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái). Điều này khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tăng trưởng âm liên tiếp trong hai năm trở lại đây.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tại EU, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này được hưởng mức thuế suất ưu đãi, xuống chỉ còn 0%; mở ra cơ hội lớn cho ngành cá tra Việt Nam.

Tại EU, Việt Nam đang chi phối thị trường cá tra và dường như không có đối thủ cạnh tranh. Các nước như Bangladesh, Trung Quốc cũng xuất khẩu cá tra sang thị trường này, song chiếm khối lượng thấp hơn nhiều.

Theo ông Hòe, bước sang năm 2021, thị trường bán lẻ tại EU bắt đầu khôi phục trở lại sau đà giảm sâu do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngành dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn...) tại EU vẫn phục hồi rất chậm. Những nhà nhập khẩu dè dặt hơn trong các đơn hàng. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng EU bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng, họ quan tâm nhiều hơn tới tính an toàn vốn đã là đòi hỏi rất cao, giá cả và sự tiện lợi.

“Các khách hàng yêu cầu mua hàng chất lượng cao hơn song đưa ra mức giá thấp hơn. Chẳng hạn, EU đang tăng cường quy định về mức dư lượng trong thực phẩm và nước. Trước đây, một số lô hàng philê cá tra đông lạnh có thêm nước từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chlorate cao hơn và bị đưa vào cảnh báo nhanh. Các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe, nếu sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ sẽ được báo cáo đồng thời và bị kiểm tra kỹ lưỡng tại cảng nhập. Việc kiểm soát này có thể mất từ ​​2 đến 3 tuần, khiến chi phí phát sinh của DN tăng lên nếu có lô hàng như vậy. Khách hàng EU cũng ngày càng đòi hỏi cá tra phải có được chứng nhận bền vững, nếu DN không đáp ứng được sẽ rất khó”, ông Hòe cho hay.

Theo VASEP, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 788 triệu USD (tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi xuất khẩu sang Mỹ và những thị trường quy mô nhỏ đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thì xuất khẩu vào thị trường truyền thống EU lại liên tục giảm.

Theo đại diện VASEP, trước thay đổi của thị trường EU, nhiều DN xuất khẩu cá tra đã chuyển hướng sang thị trường khác. Tính tới cuối tháng 5, đã có gần 25 DN xuất khẩu cá tra Việt Nam rút khỏi thị trường EU.

Một số DN xuất khẩu cá tra phản ánh rằng, họ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn tại thị trường EU. Trong khi đó, nhiều khách hàng chủ động đề nghị được giảm giá mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng, như thế chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng, chế biến đang tăng mạnh.

Giá nguyên liệu vật tư tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy cũng tăng 5-25%, giá thức ăn thủy sản cũng tăng 15-20%, chưa kể tiền lương trả cho lao động, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần...DN không chấp nhận được đề nghị giảm giá, phải chuyển hướng sang tìm kiếm các thị trường thay thế khác.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để có thể cải thiện giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường EU thời gian tới, các DN cần: Đầu tư, nâng cao năng lực chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và điều kiện khắt khe từ phía EU; Đồng thời DN cần chủ động điều hành linh hoạt, giảm bớt các chi phí trong quá trình hoạt động, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh trong bối cảnh thị trường sẽ có những thay đổi do tác động của dịch COVID-19…

Các tin khác