Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tại Lễ công bố Báo cáo tổng quan nông nghiệp số Việt Nam năm 2021, tổ chức ngày 7/7.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký VIDA dẫn khảo sát của hiệp hội, cho biết: Trên các nhóm đối tượng liên quan trực tiếp đến nông nghiệp số, nông dân là nhóm cần được quan tâm nhất. Bên cạnh người nông dân, doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc hoàn thành hệ sinh thái cho nông nghiệp số.
Để hướng tới một nền nông nghiệp số hiệu quả, bền vững, VIDA đề nghị: Xây dựng cơ sở dữ liệu chung đồng nhất, phát triển cơ sở hạ tầng với sự tham gia của nhiều bên, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vốn cho doanh nghiệp, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tập trung vào công nghệ mới, thúc đẩy nhận thức thông qua truyền thông.
Bên cạnh đó, VIDA cũng đề nghị sự vào cuộc mạnh mẽ từ các bên liên quan, cả trong lẫn ngoài ngành nông nghiệp. Mỗi thành phần tham gia cần được đánh giá cụ thể về những mối quan tâm, lợi ích, mức độ ảnh hưởng.
Mục tiêu của VIDA trong những năm tới là xây dựng báo cáo tổng quan hàng năm trở thành một giải pháp tổng thể cho việc số hóa ngành nông nghiệp. Dự kiến, mỗi năm VIDA sẽ chọn một chương trình hành động trọng tâm và lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đó.
"Báo cáo tổng quan chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam 2021 sẽ là cơ sở cho các nhà quản lý xem xét để gắn kết với kỳ vọng trong tầm nhìn phát triển chung của toàn ngành, từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp để tăng tốc quá trình chuyển đổi", ông Nguyễn Đức Tùng nhấn mạnh.
Cũng liên quan tới kế hoạch chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số..;ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bộ NNPTNT cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.
Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản;
Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
Theo Tạp chí Thời Đại